Phương thức lừa đảo Lừa đảo tài chính quốc tế

Trò lừa này bắt đầu bằng một bức thư hoặc email bề ngoài có hình thức như được gửi trực tiếp cho người nhận, nhưng thực chất đã được phát tán cho nhiều người, đưa ra một đề xuất theo đó người nhận (tức nạn nhân sau này) sẽ được nhận một khoản tiền lớn. Nội dung chi tiết của thư có thể thay đổi, nhưng một câu chuyện phổ biến nhất là kể về một người, thường là quan chức chính phủ hoặc ngân hàng, biết về một khoản tiền hoặc vàng lớn không có chủ, và người đó không thể trực tiếp tiếp cận để lấy về. Nhân vật này có thể được xây dựng từ một người có thật hoặc không có thật trong các trường hợp:

  • Vợ hoặc con của một nhà lãnh đạo hoặc độc tài người châu Phi hoặc Indonesia đã chết, để lại một tài sản lớn;
  • Một quan chức ngân hàng quen biết một bệnh nhân giàu có sắp chết mà không có họ hàng
  • Hoặc một người nước ngoài rất giàu có tài khoản lớn tại ngân hàng mới chết trong một tai nạn máy bay (không để lại di chúc hoặc không có người thừa kế)
  • Một lính Mỹ tình cờ tìm ra một chỗ cất giấu vàng ở Iraq
  • Một doanh nhân đang bị nhà nước kiểm toán
  • Một quan chức nhà nước ăn trộm quỹ, một kẻ vượt ngục, v.v…

Tiền được nói đến trong thư có thể dưới dạng vàng thoi, vàng cám, tiền trong tài khoản ngân hàng, "kim cương đen", séc ngân hàng, v.v… Số tiền thông thường có đơn vị là triệu đô la, và nạn nhân được hứa hẹn là sẽ được chia cho một phần từ 10 đến 40%, nếu đồng ý tham gia việc thu về khoản tiền nói trong thư.

Chỉ cần một tỷ lệ nhỏ khác lại trả lời, và như vậy là đủ đối với người làm việc lừa đảo. Tiếp đến, người đi lừa đảo sẽ đòi hỏi những khoản tiền, mặc dù là nhỏ so với lợi ích mà nạn nhân được hứa, để trang trải các khoản lệ phí, hoặc tiền hối lộ trong khi thực hiện những "dự án ma" của chúng, trong khi đó, nạn nhân vẫn nghĩ rằng mình đang đầu tư để thu về một lợi nhuận cực lớn.

Nhiều nhóm tội phạm có tổ chức rất chuyên nghiệp có văn phòng đặt tại Nigeria, có số fax, có quan hệ với cơ quan nhà nước Nigeria. Nhiều nạn nhân cố gắng điều tra, tìm hiểu về những tổ chức này trước khi tham gia đều thấy mọi thông tin là trùng khớp và hợp lý. Những tổ chức như vậy có thể lôi kéo những nhà đầu tư giàu có và ngay cả những công ty, quỹ tài chính, gây nên những tổn thất lên đến nhiều triệu đô la. Tuy nhiên, phần lớn người làm việc lừa đảo là các nhóm tội phạm kém tổ chức hơn, hoặc hoạt động riêng rẽ; họ không có những cơ sở và điều kiện nói trên, và vì thế khó lừa được những nhà đầu tư hoặc công ty lớn, tuy nhiên chúng vẫn có thể lừa được những cá nhân trung lưu hoặc doanh nghiệp nhỏ để chiếm đoạt của họ hàng trăm nghìn đô la.

Nếu nạn nhận đồng ý hợp tác, bon tội phạm sẽ gửi các văn bản có cả dấu của cơ quan chính phủ. Bọn tội phạm thường dùng các địa chỉ giả và ảnh lấy từ Internet hoặc tạp chí thay ảnh của chúng. Thậm chí, tác giả bài báo "Những vụ lừa đảo "Lệ phí trả trước" ở Tây Phi đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Abidjan (Bờ biển Ngà) còn nêu trường hợp một tên tội phạm đã đứng sau nhiều vụ lừa đảo sử dụng các nhân vật giả khác nhau.

Tiếp đến, bọn tội phạm sẽ đề cập đến vài vấn đề khó khăn gây ra sự chậm trễ đối với việc tiến hành dự án, chẳng hạn:

  • "Để việc chuyển tiền thực hiện được, chúng ta cần tiền để hối hộ nhân viên nhà băng. Anh/chị có thể cho mượn tạm khoản tiền này không?"
  • "Để có tư cách nhận chuyển khoản, anh/chị cần phải có tài khoản tối thiểu $100,000 trong một ngân hàng của Nigeria", v.v…

Những việc trì hoãn tiếp tục diễn ra kéo theo các khoản chi, và nạn nhân cứ tiếp tục nuôi hy vọng vào những khoản tiền lớn. Đôi khi, chúng còn tạo ra những áp lực tâm lý bằng cách bịa ra rằng đối tác phía Nigeria đã phải bán hết tài sản, nhà cửa để lấy tiền trang trải các khoản phí. Tuy nhiên, phần lớn các áp lực tâm lý là do các nạn nhân tự gây ra cho mình, do việc mong muốn giải quyết xong dự án để lấy lại những khoản tiền đã bỏ ra. Một số nạn nhân còn tin rằng bản thân đang giữ thế chủ động, và có thể lừa được đối tác bên kia.

Thực tế căn bản trong tất cả các vụ lừa đảo "Lệ phí trả trước" là không hề có một khoản tiền lớn nào như được hứa. Tuy nhiên, bọn lừa đảo đã dựa vào một cơ sở là khi nạn nhân nhận ra điều này (do sự phát hiện hoặc giải thích của một bên thứ ba) thì nạn nhân đã gửi cho chúng hàng nghìn đô la tiền cá nhân, hoặc thậm chí hàng nghìn, hàng triệu đô la vay mượn hoặc chiếm đoạt từ một nguồn khác thông qua các giao dịch tài chính không thu hồi được và cũng không truy cứu được.

Trong nhiều trường hợp xấu hơn, nạn nhân thậm chí không nhận ra mình bị lừa. Một chiêu bài khác của trò lừa là tên lừa đảo mạo nhận là đại diện cho một tổ chức tài chính có uy tín và hứa cho nạn nhân vay những khoản vay lớn để kinh doanh. Hắn sẽ đòi hỏi các khoản phí trả trước, đúng theo thông lệ làm việc của ngân hàng khi cho vay những khoản lớn. Sau đó, việc thực hiện khoản vay này dần dần đi vào ngõ cụt, và nạn nhân bị thiệt hại hàng chục nghìn đô la, nhưng vẫn nghĩ rằng chỉ là do không may nên dự án thất bại. Những vụ lừa đảo dạng này thường không được báo lên cơ quan chức năng do nạn nhân không nhận ra là mình bị lừa, hoặc không muốn thừa nhận việc này.

Ở Nigeria có nhiều tổ chức chuyên cung cấp các giấy tờ giả được sử dụng trong các vụ lừa đảo; sau một vụ lừa đảo trong đó sử dụng chữ ký giả mạo của tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo vào mùa hè 2005, cơ quan chức năng Nigeria đã đột kích vào một khu chợ ở Oluwole. Cảnh sát đã thu giữ hàng nghìn hộ chiếu giả của Nigeria và các nước khác, 10,000 thẻ lên máy bay của hãng British Airways, 10,000 lệnh chuyển tiền của Mỹ, các văn bản Hải quan, bằng đại học giả, 500 bản in kẽm và 500 máy tính.

Trong quá trình thực hiện, bọn lừa đảo sẽ đề nghị nạn nhân cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng. Đây là một chiêu thức để chúng thử lòng tin của nạn nhân.

Bọn lừa đảo thường đề nghị nạn nhân trả tiền qua các dịch vụ chuyển tiền như Western Union hoặc Moneygram. Lý do mà chúng đưa ra là sự linh động của các dịch vụ này cho phép nhận tiền nhanh hơn, và như thế sẽ giúp cho dự án tiến triển nhanh chóng. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề là những dịch vụ này không thu hồi được, không truy cứu được, và người nhận không cần phải cung cấp chi tiết về nhân thân.

Số điện thoại mà bọn lừa đảo thường sử dụng là các số di động. Ở Bờ Biển Ngà, bọn tội phạm có thể mua một chiếc điện thoại rẻ tiền và thẻ SIM trả trước mà không cần cung cấp chứng minh thư. Nếu bọn chúng cảm thấy đang bị theo dõi thì chúng sẽ vứt bỏ điện thoại và mua một cái mới.

Ở Bénin, đã có nhiều vụ bọn tội phạm Nigeria cấu kết với người Bénin để thực hiện lừa đảo.

Ở Mỹ, một số băng nhóm lừa đảo còn đe dọa nạn nhân khi họ muốn từ bỏ dự án.

Ngoài việc đòi hỏi các khoản chi, một số bọn lừa đảo còn đòi hỏi chi tiết tài khoản và chữ ký của nạn nhân để tự chúng rút tiền. Trong các trường hợp tồi tệ hơn, nạn nhân bị lừa đến một địa điểm, sau đó bị bắt cóc, cướp đoạt tài sản và bị giết.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lừa đảo tài chính quốc tế http://www.f-secure.com/hoaxes/moneytr.shtml http://www.intercontinentalbankgh.com/web/scamaler... http://www.microsoft.com/protect/yourself/phishing... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9E0... http://www.snopes.com/crime/fraud/nigeria.asp http://www.wired.com/techbiz/it/news/2006/08/71387 http://statelists.state.gov/scripts/wa.exe?A3=ind0... http://travel.state.gov/pdf/international_financia... http://travel.state.gov/travel/cis_pa_tw/cis/cis_1... http://travel.state.gov/travel/cis_pa_tw/tw/tw_928...